Hitachi phát triển bộ lưu trữ vĩnh cửu



Đến năm 2015, bộ phận nghiên cứu của Hitachi sẽ tung ra một thiết bị lưu trữ dữ liệu mới dựa trên loại kính siêu bền dự tính tồn tại hàng trăm triệu năm.

 



Hitachi vừa phát hiện môi trường lưu trữ dữ liệu dựa trên thuỷ tinh thạch anh. Nó khác biệt bởi độ bền cực cao trước ẩm mốc, nhiệt độ khắc nghiệt. Dữ liệu lưu trong môi trường như vậy có thể giữ được hàng trăm triệu năm. Mẫu sản phẩm đại trà sẽ ra mắt vào năm 2015.

Hitachi đã phát triển phương pháp khắc các hoa văn bằng laser lên thủy tinh thạch anh độ cứng cao. Mật độ ghi dữ liệu vượt cả mật độ ghi trên CD-ROM. Để đọc dữ liệu, người ta phải có một kính hiển vi đặc biệt. Dữ liệu được khắc thành 4 lớp bằng cách thay đổi tâm điểm của tia laser.

Phòng thí nghiệm của Hitachi nhấn mạnh rằng, phát hiện này trước hết để đáp ứng nhu cầu từ các tổ chức cần lưu trữ lượng dữ liệu lớn, hơn là dành cho các nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, công nghệ mới cho phép lưu các phiên bản số hoá của các tài liệu lịch sử, các công trình văn hoá quan trọng cũng như thông tin mà mỗi người muốn để lại cho các thế hệ sau.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, họ cần tối thiểu 3 năm nữa để thương mại hoá công nghệ này, nhưng ngay từ bây giờ, các nhà phát triển đã xây dựng hệ thống để mọi người có thể gửi các dữ liệu vô giá của mình cho Hitachi để mã hoá. Hitachi đã đạt được mật độ 40MB trên một inch vuông, tức là đã vượt kỷ lục mật độ ghi của CD-ROM là 35MB trên một inch vuông.

Việc thử nghiệm thuỷ tinh thạch anh như một vật lưu trữ cho thấy, độ bền lâu của nó có thể lên tới hàng trăm triệu năm. Các mẫu đã chịu được 2 giờ liền nằm trong hộp đựng nhiệt độ lên tới 2.000 độ C.

Theo tuyên bố của Hitachi, ý tưởng khắc hoa văn lên thuỷ tinh thạch anh bằng laser đã xuất hiện từ năm 2009 và trở ngại chính trong suốt thời gian đó là tốc độ đọc và ghi không cao. Các loại hoa văn khác nhau đã được thử nghiệm để lưu các bit dữ liệu và mới đây, người ta đã thành công với phương pháp khắc 100 chi tiết bản ghi cùng lúc nên đã gia tăng đáng kể tốc độ ghi.

Công việc với môi trường lưu dữ liệu mới đang được tiến hành cùng với Phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học của Đại học Kyoto, Nhật Bản.

Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề chưa thể giải quyết. Liệu rằng các cư dân Trái Đất vào năm 100’002’012 có có loại kính hiển vi phù hợp để xem được những báu vật của sự thông thái mà tổ tiên họ để lại cho các thế hệ sau hay không.




Trở về

 

Powered by: