Quản lý chất lượng: Bắt đầu từ lãnh đạo


Chỉ 2% doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, 75% sử dụng công nghệ của thế kỷ trước, 70% giám đốc trên cả nước thiếu khả năng quản trị, cơ chế lạc hậu, chuyển dịch kinh tế chậm...

Thiếu công cụ hoạch định và quản trị

Ông Hà Tuấn Anh, Tổng giám đốc Quality Management System (QMS) Việt Nam đánh giá, DN Việt Nam chưa sử dụng hết các công cụ để hoạch định và quản trị chiến lược. Chiến lược công nghệ, sản xuất tối ưu, kiểm soát chất lượng... chưa được các DN thiết lập. Công cụ quản lý tài chính ở mức thấp có xu hướng sợ sự thay đổi.

Ông Lê Bảo Luân, Giám đốc Điều hành Quality Management System Việt Nam nhìn nhận: DN đa số chưa áp dụng các giải pháp quản lý, có chăng chỉ áp dụng CNTT căn bản như: World, Excel, email nội bộ, phần mềm kế toán...

Hệ thống quản lý chất lượng trong các DN Việt Nam hầu hết mới chỉ tập trung vào quản lý kết quả chứ chưa xác định trình tự và mối tương tác của tất cả các quá trình, năng lực và phạm vi của hệ thống chưa đồng bộ từ phòng, ban đến các đơn vị sản xuất. Những tư duy quản lý này do một số bộ phận DN chưa thực sự nhận thức lợi ích lâu dài của hệ thống quản lý, hay chưa có nhu cầu tăng cường hiệu lực của bộ máy quản lý.

Cần tham khảo chuẩn quốc tế

Các hệ thống quản lý trong nước đã phát triển đến một mức độ nhất định, nhưng vẫn thua xa so với chuẩn quản lý nước ngoài về mặt hiệu quả. Do vậy, DN cần đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế.

Quản lý theo chuẩn quốc tế không có nghĩa là quản lý kỹ thuật mà là quản lý chung mọi hoạt động của DN. Điều này đòi hỏi sự thống nhất từ trên xuống dưới (giám đốc và nhân viên). Nếu không thống nhất, DN sẽ vẫn chia thành hai hệ thống: hệ thống quản lý chung và hệ thống kỹ thuật tác nghiệp riêng. Như vậy, hiệu quả quản lý sẽ rất thấp.

Khi hệ thống quản lý chung và hệ thống kỹ thuật đều cùng quan điểm, nằm trong thể thống nhất cần có chứng nhận đạt chuẩn để đo lường hiệu quả. Có hệ thống chứng nhận đối với DN rất quan trọng, đặc biệt có chứng nhận về: An toàn thực phẩm; Bảo mật thông tin; Môi trường...

Ông Adam MacDean, Tổng giám đốc QMS tại Úc và Quốc tế cho biết: “Việc đạt được chứng nhận đem lại những lợi ích như: cập nhật tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ đạt được các hợp đồng lớn, là công cụ marketing tuyệt vời... Đặc biệt, đối với các DN Việt Nam, việc đạt được chứng nhận sẽ thể hiện được tính cạnh tranh quốc tế, DN được công nhận trên toàn thế giới”.

Ông Tuấn Anh nhấn mạnh, DN chất lượng quản lý không chỉ để chứng minh về chất lượng, mà còn để giảm chi phí. Chứng nhận ISO không bó buộc mà khiến cho quy trình linh hoạt hơn dù vẫn tuân thủ hệ thống.

Một số vướng mắc trong quản lý hiện nay có thể tháo gỡ nhờ giải pháp kỹ thuật (đặc biệt là CNTT). Thông qua các giải pháp quản lý, nhà quản lý có thể truyền đạt thông tin nhanh nhất, kiểm soát công việc mọi lúc mọi nơi, xem nhanh các báo cáo, rút ngắn thời gian... Nhân viên của DN cũng cập nhật được liên tục các thông tin từ ban giám đốc, lập kế hoạch, báo cáo mọi lúc mọi nơi, áp dụng các quy trình tác nghiệp tiện lợi, nhanh chóng...

Theo ông Bảo Luân, DN nên cải tiến từ lãnh đạo. Khi lãnh đạo thay đổi nhận thức sẽ truyền đạt xuống cấp dưới. Đặc biệt là môi trường làm việc tại Việt Nam cho thấy tác phong hoặc văn hóa của một công ty chịu ảnh hưởng rất lớn từ người lãnh đạo. Tiếp đó, những cải tiến về nguồn lực con người, thay đổi quy trình, máy móc thiết bị, phương pháp marketing, quản lý hệ thống... rất cần thiết.




Trở về

 

Powered by: